Tin tức
Nhãn RFID: Hiệu quả trong quản lý tồn kho như thế nào?
Trong thế giới quản lý hàng tồn kho ngày càng phát triển, người ta luôn tập trung vào việc cải thiện hiệu quả. Các công ty thuộc mọi quy mô thường xuyên đánh giá năng lực thực tại của mình và tìm cách tận dụng tối đa hiệu quả có được từ cơ sở hạ tầng hiện có song song với việc trang bị để ứng dụng các công nghệ mới để có thể nâng hiệu suất của họ lên cấp độ mới. Điều quan trọng hơn bao giờ hết trong việc quản lý điều hành là phải tiến hành nghiên cứu và phân tích kỹ lưỡng chỉ số ROI (Return On Investment – Tỷ suất hoàn vốn) phù hợp để hiểu đầy đủ về những tác động mà bất kỳ thay đổi nào có thể gây ra đối với toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp.
Một công nghệ đang phát triển và nhận được nhiều sự quan tâm với tiềm năng cách mạng hóa việc quản lý hàng tồn kho là RFID (radio-frequency identification). Qua đây chúng ta cùng tìm hiểu thực trạng của việc sử dụng thẻ RFID và một số thông tin chi tiết về tiện ích của giải pháp này so với giải pháp hàng đầu trước đây trong theo dõi tài sản và quản lý hàng tồn kho ( barcode – mã vạch)
Định nghĩa về RFID
Việc sử dụng RFID để quản lý hàng tồn kho yêu cầu phải có máy quét sử dụng sóng vô tuyến để giao tiếp với thẻ RFID (phần cứng) và phần mềm để quản lý hệ thống. Bản thân thẻ chứa một vi mạch cho phép máy quét đọc/ghi dữ liệu vào thẻ để cập nhật dữ liệu tại chỗ theo thời gian thực. Mỗi thẻ được phủ nhựa hoặc giấy để bảo vệ đồng thời có thể in thông tin và được dán trên nhiều bề mặt khác nhau để theo dõi. Hầu hết các thẻ được sử dụng để theo dõi tồn kho là thẻ RFID thụ động, có nghĩa là chúng không chứa pin và hoạt động bởi sóng từ đầu đọc.
Lợi ích của việc sử dụng thẻ RFID trong quản lý tồn kho
Sử dụng thẻ RFID để quản lý hàng tồn kho mang lại một số lợi ích, chẳng hạn như giảm chi phí nhân công và khả năng quét nhanh hơn, cụ thể như sau:
Cải thiện khả năng hiển thị và quét nhanh hơn: Vì thẻ RFID không yêu cầu đường ngắm thẳng trực tiếp mới đọc được như mã vạch, nên chúng ta có thể quét nhãn RFID ở khoảng cách xa để xử lý hàng tồn kho nhanh hơn. Thẻ RFID cũng có thể được đọc theo bất kỳ hướng nào và cung cấp khả năng hiển thị tốt hơn trong hàng hóa tồn kho với khả năng cập nhật và quét vị trí thường xuyên hơn.
Giảm chi phí nhân công: Với chi phí nhân công chiếm tới 50-80% tổng chi phí doanh nghiệp, RFID mang lại những lợi ích tiềm năng trong khía cạnh này. Việc kiểm tra hàng tồn kho, kiểm đếm và xác minh lô hàng có thể được thực hiện rất nhanh chóng và tự động trong một vài lần quét mà không cần nhiều nhân viên xử lý.
Theo dõi tài sản: Đối với những công ty như vận tải, logistics,… sử dụng các tài sản như container và pallet, thường tốn một khoản đầu tư vốn đáng kể để bảo vệ tài sản. Việc sử dụng RFID cho phép theo dõi các tài sản này thông qua toàn bộ vòng lặp chuỗi cung ứng và tăng khả năng hiển thị trên các vị trí hàng tồn kho. Qua đây, RFID giúp doanh nghiệp có thể cải thiện lợi nhuận và hạn chế nguy cơ trộm cắp hoặc bỏ bê tài sản.
RFID hoạt động trong kho như thế nào?
Trước khi một lô hàng được gửi đến kho, sẽ được gắn một thẻ hoặc chip RFID vào các mặt hàng riêng lẻ hoặc toàn bộ pallet. Thẻ RFID này lưu trữ thông tin quan trọng về mặt hàng. Khi lô hàng đến nơi, mỗi thẻ RFID sẽ truyền thông tin của nó đến các đầu đọc được cài đặt trong kho. Các đầu đọc này sẽ được đặt ở các vị trí phù hợp trong khu vực nhận hàng để thu tín hiệu tốt nhất có thể. Dữ liệu được truyền qua sóng vô tuyến và được chuyển tiếp từ đầu đọc đến hệ thống quản lý kho trung tâm. Thông tin sau đó có thể được sửa đổi và truyền ngược lại vào thẻ RFID. Điều này cung cấp cho các thủ kho khả năng thực hiện các tác vụ như kiểm đến tài sản theo thời gian thực và các nghiệp vụ hàng tồn kho nâng cao khác.
RFID có tăng độ chính xác trong quản lý tồn kho không?
Sử dụng hệ thống quản lý tồn kho RFID đã được chứng minh là cải thiện độ chính xác của hàng tồn kho lên đến 13% so với các phương pháp theo dõi hàng tồn kho truyền thống và kiểm tra hàng tồn kho thủ công trong một số tình huống. Đặc biệt trong ngành bán lẻ, nơi duy trì độ chính xác của hàng tồn kho phải đảm bảo liên tục, do đó, khi triển khai một hệ thống tự động sẽ mang đến nhiều lợi ích.